Ngành Công nghệ thông tin - Chinh phục cơ hội nghề nghiệp IT 2024, cẩm nang từ A-Z
12 tháng 12, 2024 bởi
Tạ Thị Thanh Trúc

Trong kỷ nguyên số hóa, Công nghệ Thông tin (CNTT) đã trở thành một ngành học thu hút đông đảo bạn trẻ nhờ cơ hội nghề nghiệp đa dạng và mức thu nhập hấp dẫn. Dù bạn yêu thích lập trình, phát triển phần mềm hay quản trị an ninh mạng, ngành CNTT luôn mang đến những lựa chọn phù hợp để phát triển bản thân.

Tổng quan về ngành công nghệ thông tin


Công nghệ Thông tin (Information Technology - IT) là lĩnh vực liên quan đến việc sử dụng máy tính và phần mềm để lưu trữ, xử lý và truyền tải thông tin. Ứng dụng của CNTT xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ các ứng dụng điện thoại, phần mềm quản lý tại doanh nghiệp, đến hệ thống an ninh quốc phòng. Theo thống kê, nhu cầu nhân lực ngành CNTT tại Việt Nam tăng trưởng đều đặn, mỗi năm tăng 13%. Đây là một trong những ngành dẫn đầu về cơ hội việc làm và thu nhập.

Nhắc đến IT chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến các cụm từ như “lập trình viên”, “website”, “an ninh mạng”... Tuy nhiên không chỉ có web, ngành công nghệ thông tin còn bao gồm cả lập trình game, ứng dụng điện thoại và tất tần tật những thứ liên quan đến máy tính và dữ liệu. Do đó lựa chọn công việc trong ngành này khá phong phú. Sau đây là 7 công việc ngành công nghệ thông tin phổ biến nhất hiện nay để các bạn tham khảo.

1. Lập trình web (Web developer)

Công việc chính của một chuyên viên lập trình website là xây dựng, duy trì web và ứng dụng web. Đa phần họ tập trung vào phần mềm và cơ sở dữ liệu của web (back-end), nhưng cũng có một số nhà lập trình làm việc với giao diện và thiết kế hình ảnh web (front-end) hoặc kết hợp cả hai (full stack).

 Người lập trình web có thể làm việc cho một công ty (agency) hoặc nhận việc tự do (freelance). Công việc của họ rất đa dạng với vô vàn dự án có thể làm cùng lúc và nhiều cuộc gặp với khách hàng. Tuy nhiên dù thế nào thì nhiệm vụ cơ bản của một nhà lập trình/phát triển web là tạo ra những sản phẩm đáng tin cậy, dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Một số công việc cụ thể:

  • Phát triển và duy trì các trang web, ứng dụng web.
  • Viết code, kiểm tra lỗi và tối ưu hóa hệ thống.
  • Mức lương: 5 - 7 triệu đồng/tháng (cho người mới).

2. Lập trình viên Front-end (Front-end Developer)

Lập trình viên front-end là những người lập trình code nhằm tạo nên giao diện (bộ mặt) của website, duy trì mọi thứ được kết nối đúng đắn để thuận tiện cho người dùng và đảm bảo giao diện có thể chạy trên bất kỳ nền tảng, trình duyệt nào.

Con đường phát triển sự nghiệp của công việc này cũng từ những nhà lập trình nhỏ cho đến chuyên viên cao cấp và giám đốc phát triển.

 Một số trách nhiệm chính:

  • Tạo giao diện website, đảm bảo tính tương tác và trải nghiệm người dùng.
  • Yêu cầu kiến thức về HTML, CSS, JavaScript.
  • Mức lương: 7 - 11 triệu đồng/tháng.

3. Chuyên viên quản trị an ninh mạng (Cyber security specialist)

Một chuyên viên an ninh mạng phải luôn hiểu được những mối nguy hại đến an ninh thông tin hay dữ liệu của một hay nhiều hệ thống phụ trách. Nhiệm vụ chính của họ là phân tích những sai phạm an ninh có thể xảy ra hoặc đang xảy ra để sửa chữa, hay còn gọi là vá lỗ hổng.

 Con đường sự nghiệp: Chuyên viên an ninh mạng => Chuyên gia phân tích an ninh mạng (Cybersecurity Analyst)/ Kiểm thử bảo mật (Penatration Tester)/ Kiểm thử lỗ hổng (Vulnerability Tester) => Quản trị an ninh mạng (Cybersecurity Administrator)/ Kỹ sư an ninh mạng (Cyber Security Engineer), v.vv..

Một số trách nhiệm chính:

  • Bảo vệ hệ thống dữ liệu, khắc phục các lỗ hổng bảo mật.
  • Mức lương: 10 - 12 triệu đồng/tháng.

4. Kỹ sư kiểm định/ kiểm soát chất lượng (QA/QC Engineer)

Kiểm định chất lượng (Quality Assurance - QA) là hoạt động quản lý chủ động được sử dụng để đảm bảo chất lượng cho một sản phẩm công nghệ thông tin. QA bao gồm mọi kỹ thuật, hoạt động vận hành được dùng để hoàn thành các yêu cầu chất lượng chấp thuận bởi khách hàng hay bên liên quan trước khi dự án bắt đầu.

 Kiểm soát chất lượng (Quality Control - QC) là việc kiểm tra hoạt động xuất ra nhằm đạt mức chất lượng được ấn định, quy trình phù hợp với dự án và được tiến hành đúng đắn, bên cạnh đó là test và kiểm tra code để đảm bảo giải pháp đáp ứng đòi hỏi đã chấp thuận.

Một số công việc cụ thể:

  • Đảm bảo chất lượng phần mềm thông qua kiểm thử và phân tích lỗi.
  • Mức lương: 8 - 14 triệu đồng/tháng.

5. Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist)

Đây là một nhánh mới của chuyên gia phân tích dữ liệu. Gọi là “nhà khoa học” nhưng không phải làm việc trong phòng thí nghiệm. Công việc của họ là đào sâu và khai thác “mỏ” dữ liệu khổng lồ, hỗn độn thông qua phân tích, xử lý và tạo ra giá trị từ dữ liệu thành các insight.

Data Scientist là ngành rất hấp dẫn và thu hút nhân lực, nhưng không hề đơn giản để ai cũng có thể làm được. Bản chất của ngành này là sự kết hợp giữa kinh tế và khoa học, người nào nhạy bén và nắm bắt tốt sẽ thành công.

Một số công việc cụ thể:

  • Phân tích, khai thác dữ liệu để đưa ra giải pháp kinh doanh.
  • Mức lương: 120.000 - 150.000 USD/năm (thị trường quốc tế).

6. Chuyên viên phát triển ứng dụng (App developer)

Công việc chính của chuyên viên phát triển ứng dụng là chuyển các yêu cầu phần mềm thành ngôn ngữ lập trình có thể làm việc được để duy trì và phát triển các chương trình sử dụng trong doanh nghiệp.

Đa phần chuyên môn của các chuyên viên phát triển ứng dụng tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như ứng dụng điện thoại, phần mềm tính toán, phần mềm đồ họa, phần mềm tiện ích văn phòng. Các app có thể được viết cho một hệ điều hành cụ thể (Windows, Android…) hay cho nhiều nền tảng khác như máy tính và thiết bị điện thoại.

Một số công việc cụ thể:

  • Phát triển phần mềm, ứng dụng trên điện thoại và máy tính.
  • Mức lương: 7 - 12 triệu đồng/tháng

7. Lập trình game (Game developer)

Công việc của một chuyên viên lập trình game là tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất game trên nền tảng máy tính cá nhân, máy chơi game, điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị cầm tay khác, hoặc các trò chơi online, trò chơi được cài đặt trong các máy ở trung tâm thương mại (arcade game).

 Việc sản xuất game phải trải qua rất nhiều bước từ lên ý tưởng, sáng tạo cách chơi, thiết kế giao diện đến tạo hình nhân vật, đồ vật, hiệu ứng âm thanh, chuyển biến ngôn ngữ, test, v.vv.. Vì vậy, để có một game thành công, cần rất nhiều thời gian và một đội sản xuất giỏi.

 Một số công việc cụ thể:

  • Phát triển trò chơi trên máy tính, điện thoại và các thiết bị giải trí khác.
  • Mức lương: 5 - 15 triệu đồng/tháng.

Cơ hội việc làm ngành Công nghệ thông tin


Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể xin việc ngành công nghệ thông tin tại:

  • Các tập đoàn công nghệ lớn: FPT, Viettel, VNPT, Google, Apple.
  • Các công ty giải pháp mạng và an ninh mạng như BKAV, Kaspersky.
  • Bộ phận IT của các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực như giáo dục, ngân hàng, thương mại điện tử.
  • Giảng dạy tại các trường đại học, học viện.

Kết Luận

Ngành Công nghệ Thông tin mang lại cơ hội nghề nghiệp đa dạng và hấp dẫn, đồng thời đáp ứng xu hướng phát triển của thời đại số hóa. Nếu bạn đam mê công nghệ, đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo để bắt đầu sự nghiệp. Với kiến thức, kỹ năng chuyên môn và tinh thần không ngừng học hỏi, bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển và đạt được thành công trong ngành này.